DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẺ MỌC RĂNG VÀ CÁCH CHĂM SÓC

Trẻ mọc răng là giai đoạn phát triển không thể thiếu trên hành trình lớn khôn của con. Nhưng khi con mọc răng sẽ thường kèm theo một số các triệu chứng khiến trẻ khó chịu, đau và hay khóc. Vì thế cha mẹ cần phải đặc biệt để ý đến những dấu hiệu khi con mọc răng, từ đó có cách chăm sóc kịp thời, hiệu quả.

1. Trẻ mọc răng biểu hiện qua triệu chứng nào?

Răng của trẻ bắt đầu mọc từ tháng thứ 6 và hoàn thiện cuối cùng vào tháng thứ 30. Nghĩa là trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi, răng của bé sẽ được mọc và thay liên tục. Các dấu hiệu trẻ mọc răng như sau:

– Trẻ khó chịu, quấy khóc: Khi răng mọc sẽ chọc qua nướu của trẻ vì thế sẽ làm trẻ đau đớn, khó chịu và khóc rất nhiều. Điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ khi hay bị khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc làm trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, quấy khóc triền miên.

– Sốt nhẹ: Hiện tượng đặc trưng nhất là sốt, nhưng cơn sốt sẽ không cao và kéo dài thường khoảng dưới 38,5 độ trong 2 – 5 ngày tùy thể trạng

Sốt do mọc răng

– Chảy nước dãi: Ở thời điểm những chiếc răng bắt đầu nhú lên, tuyến nước bọt hoạt động mạnh mẽ. Điều đó làm nước bọt thường chảy ra ngoài dẫn đến việc vùng cằm và cổ của trẻ sẽ luôn ướt và gây ra tình trạng phát ban đỏ.

– Nướu bị sưng, má ửng hồng: Như đã nói ở trên vì răng mọc sẽ xuyên qua nướu nên điểm dễ nhận thấy nhất chính là nướu của trẻ sẽ bị sưng, đỏ tấy kèm theo đó má bị kích ứng, ửng hồng. Trong trường hợp này mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc giảm đau răng.

– Thích cầm đồ vặt cắn nhai: Bé mọc răng rất hay bị ngứa lợi nên việc đưa các đồ vật lên miệng và cắn nhai là một cách để trẻ “gãi” những vết ngứa đó.

– Chán ăn: Khi trẻ khó chịu thường sẽ đòi ti mẹ hoặc bú bình nhưng áp lực từ việc đó lại khiến cơn đau do mọc răng tăng lên làm trẻ không muốn ăn dù đói dẫn đến quấy khóc.

Dấu hiệu trẻ mọc răng

2. Trình tự theo từng tháng

Ngoài các dấu hiệu trên thì cha mẹ có thể theo dõi quá trình đó bằng trình tự mọc răng ở trẻ. Nhưng cha mẹ cần lưu ý một điều là tùy theo thể trạng của con mà việc mọc răng có thể chậm hay sớm hơn.

Có bé – 4 – 5 tháng đã nhú những chiếc răng sữa đầu đời. Cũng có nhiều bé được khoảng 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên nhưng trong khoảng thời gian 1 năm đó răng bé vẫn phát triển bình nên nên cha mẹ không cần quá lo lắng về việc trẻ mọc răng chậm.

– Từ 6 – 9 tháng: Bốn răng cửa giữa sẽ mọc cụ thể là 2 răng cửa trên và 2 răng cửa dưới

– Từ 7 – 10 tháng: 2 răng cửa phía trên tiếp tục mọc

– Từ 12 – 14 tháng: 4 răng hàm sữa xuất hiện bao gồm 2 răng sữa hàm dưới và 2 răng sữa hàm trên

– Từ 16 – 18 tháng: để lấp chỗ trống giữa 2 răng cửa và răng hàm thì 2 răng nanh hàm dưới sẽ xuất hiện

– Từ 20 – 30 tháng: Bốn răng hàm sữa cuối cùng sẽ lần lượt xuất hiện

3. Chăm sóc trẻ mọc răng như thế nào?

Răng bé mọc đồng nghĩa với việc các bệnh về răng miệng ở trẻ bắt đầu xuất hiện. Vì thế cha mẹ cần có những cách chăm sóc phù hợp để răng của bé trước tiên là phải sạch sẽ, không có mùi hôi, bị ố vàng và sau cùng là tránh được các bệnh về sâu răng, viêm nướu, viêm tủy, nấm miệng,…….
Các cách chăm sóc trẻ mọc răng như sau:

– Ở giai đoạn 0 – 6 tháng:  Mẹ hãy dùng khăn xô sạch hoặc gạc y tế quấn vào ngón tay trỏ rồi chà thật nhẹ nhàng vào nướu của cả hàm trên lẫn hàm dưới trước hoặc sau khi ăn, để không làm bé đau răng và tránh gây chảy máu. Lưu ý là mẹ phải đảm bảo khăn sử dụng phải sạch sẽ.

Chăm sóc khi trẻ đang mọc răng

– Ở giai đoạn 6 – 12 tháng: Giai đoạn này trẻ bắt đầu chảy nước bọt nhiều và hay gặm các đồ vặt. Mẹ hãy thường xuyên thấm nước bọt cho con, có thể thay bằng việc đeo yếm hoặc cho bé ngậm ti giả. Đồng thời mẹ hãy duy trì cách dùng khăn xô mềm sạch sẽ để đánh răng cho bé.

– Ở giai đoạn 12 – 30 tháng: Trẻ đã bắt đầu cứng cáp để dùng bàn chải đánh răng nên mẹ hãy chọn cái loại bàn chải có đầu nhỏ phù hợp, lông phải mềm mại. Còn với các loại kem đánh răng khi trẻ mới bắt đầu tập làm quen đừng cho trẻ sử dụng luôn loại kem của người lớn mà hãy chọn loại có mùi vị ngọt nhẹ, không cay.

Bên cạnh răng thì lưỡi cũng là một bộ phận cần được làm sạch vì là nơi chứa nhiều vi khuẩn và mảng bám gây hôi miệng, sâu răng. Trẻ nhỏ mẹ vẫn dùng khăn xô còn trẻ lớn hơn chút mẹ có thể cho dùng các thanh cạo lưỡi phù hợp.

Hy vọng qua bài viết này cha mẹ sẽ dễ dàng phát hiện được những dấu hiệu trẻ mọc răng từ đó có những cách chăm sóc hợp lý cho con những “chiếc răng” khỏe mạnh, sạch sẽ, đồng đều.

Zalo