Cách phòng tránh và xử lý khi trẻ bị hóc trong suốt quá trình ăn dặm

Trong giai đoạn đầu ăn dặm hầu hết thức ăn của trẻ đều thuộc dạng lỏng nhưng sau đó sẽ phải chuyển dần sang ăn thô hơn – đây cũng là giai đoạn dễ khiến trẻ bị hóc sặc nhiều nhất nếu ba mẹ cho trẻ ăn sai cách và chọn lựa thực phẩm không phù hợp với độ tuổi cũng như khả năng nhai nuốt. Vậy phải làm thế nào để phòng tránh và xử lý tình trạng nguy hiểm này. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết nhé.

1. Những dấu hiệu khi trẻ bị hóc

Trẻ đang hoạt động và ăn uống bình thường đột nhiên xuất hiện những triệu chứng như ho sặc sụa dữ dội, khó thở, mặt tím tái, mắt trợn tròn kèm theo hoảng loạn, kích động. Sau đó nếu không có cách xử lý kịp thời trẻ sẽ ngưng thở do tắc nghẽn rất nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, việc nhận biết kịp thời những dấu hiệu trẻ bị hóc rất quan trọng, trong suốt quá trình cho trẻ ăn ba mẹ nên theo dõi sát sao trẻ nhiều hơn.


Dấu hiệu trẻ bị hóc

2. Cách xử lý khi trẻ hóc thức ăn

Khi trẻ bị hóc nên làm gì? Đầu tiên khi phát hiện trẻ bị hóc, ba mẹ cần hết sức bình tĩnh để xử lý. Tuyệt đối không dùng tay hay bất cứ vật dụng hỗ trợ nào khác để lấy vật bị nghẹn trong cổ, điều này chỉ khiến vật đẩy vào sâu hơn càng nguy hiểm.

Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến việc trẻ nôn ói kèm theo sặc lại chất ói lên mũi, miệng khiến đường thở tắc nghẽn nghiêm trọng.

Vì thế, điều quan trọng nhất khi trẻ bị hóc là đưa trẻ đến các cơ sở ý tế, bệnh viện gần nhất để được xử lý kịp thời. Trong quá trình đó, ba mẹ cần thực hiện một số bước sau để sơ cứu trẻ bị hóc dị vật ngay lập tức.

Đối với trẻ nhỏ ( Dưới 2 tuổi) bị hóc

Đối với trẻ nhỏ bị hóc dưới 2 tuổi có 2 phương pháp sơ cứu hữu hiệu bao gồm phương pháp vỗ ngực và phương pháp ấn ngực.

Trong đó phương pháp vỗ ngực được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đùi của bạn sao cho đầu chúc xuống thấp hơn mức của ngực.

Bước 2: Dùng gốc bàn tay hay đoạn cuối của lòng bàn tay để vỗ mạnh 5 lần vào vị trí ở vùng lưng, giữa hai xương bả vai của trẻ.

Bước 3: Kiểm tra miệng của trẻ xem có dị vật nào vừa xuất hiện. Chú ý, cần cẩn thận giữ nguyên tư thế đầu chúc để kiểm tra, tránh để dị vật trôi lại vào trong đường thở.

Bước 4: Nếu thực hiện biện pháp vỗ lưng ba lần và không hiệu quả, cần chuyển sang động tác ấn ngực.


Sơ cứu khi trẻ hóc

Cách sơ cứu trẻ bị hóc với phương pháp ấn ngực tiếp theo:

Bước 1: Đặt trẻ nằm ngửa trên cánh tay hoặc trên đùi của bạn sao cho đầu chúc xuống thấp hơn mức của ngực.

Bước 2: Dùng hai ngón tay ấn 5 lần vào vùng nửa dưới xương ức nằm ở giữa ngực của trẻ.

Bước 3: Kiểm tra nhanh miệng của trẻ xem có dị vật nào xuất hiện. Chú ý vẫn giữ nguyên tư thế đầu thấp.

Bước 4: Nếu trẻ vẫn có dấu hiệu tắc đường thở như thở gắng sức, thở khò khè, ho…Cần làm luân phiên 5 lần động tác vỗ lưng rồi tới 5 lần động tác ấn ngực.

Đối với trẻ trên 2 tuổi

Sơ cứu trẻ bị hóc thức ăn trên 2 tuổi sẽ có một phương pháp mang tên Heimlich

Bước 1: Nếu trẻ còn tỉnh và giữ được ý thức, đứng sau lưng, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nếu trẻ đã đi vào trạng thái hôn mê, để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng hai chân đặt cạnh đùi của trẻ.

Bước 2: Một tay nắm chặt thành nắm đấm, đặt ở vùng thượng vị (vùng nằm ngay dưới mũi xương ức). Bàn tay còn lại ôm lấy nắm đấm.

Bước 3: Ấn 5 lần dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng, theo hướng từ dưới lên trên, từ trước ra sau.

Bước 4: Quan sát xem trẻ có nhổ ra vật gì không. Ngược lại, nếu trẻ vẫn còn biểu hiện tình trạng tắc nghẽn, cần tiếp tục động tác ấn bụng như trên.

3. Cách phòng tránh trẻ bị hóc hiệu quả

Để tránh việc trẻ bị hóc nghẹn, ba mẹ cần:

– Tránh ép trẻ ăn quá nhiều cùng một lúc

– Tuyệt đối không cho trẻ ăn khi đang chơi đùa, chạy nhảy, nói chuyện rất dễ khiến thức ăn không được nhai kỹ mà trôi xuống cổ họng.

– Luôn nhắc nhở con nhai thật kỹ để thức ăn nhuyễn mềm vừa tốt cho hệ tiêu hóa vừa tránh tình trạng trẻ bị hóc.

– Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu…bởi trẻ rất dễ nuốt phải và hóc vào đường thở.

– Đặc biệt cẩn trọng với những loại thức ăn có xương như xương cá, xương gà,….


Phòng tránh trẻ hóc thức ăn

Tình trạng trẻ bị hóc xảy ra vô cùng phổ biến nhất là trong giai đoạn ăn dặm thô. Vì thế, phòng ngừa và nắm chắc cách sơ cứu cơ bản sẽ giúp ba mẹ đảm bảo được an toàn cho trẻ với tình huống nguy hiểm này.

*Thông tin sưu tầm*

Zalo